doanh nghiệp gỗ phải tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước

Hạn chế đáng nói nhất hiện nay của ngành chế biến gỗ xuất khẩu chính là khâu gỗ nguyên liệu.Vì thế doanh nghiệp gỗ phải tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước. Là một trong số các mặt hàng đứng trong “top” các mặt hàng xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng trưởng ấn tượng qua từng năm.

Cùng với đó, sản phẩm gỗ của Việt Nam đã dần thống lĩnh được thị trường Hoa Kỳ với thị phần đạt tới 45%.

Nhưng trước những cảnh báo về rào cản thương mại, các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn chậm khắc phục những điểm yếu. Hơn nữa, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ đang biến động mạnh về tỷ giá và các chi phí đầu vào không ngừng gia tăng, gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất của ngành này.

Các chuyên gia Bộ Công Thương cho biết từ lâu Việt Nam đã phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu đến 70-80% (chiếm khoảng 60% giá thành sản phẩm), khiến Việt Nam không thể chủ động phát triển.

Gỗ nội ít, các doanh nghiệp lại không mặn mà với các sản phẩm gỗ như bạch đàn, keo… bởi hiệu quả rất thấp. Cây gỗ phải khoảng 18 năm mới đủ độ khai thác, nhưng chỉ được 6-7 năm đã đốn hạ khiến cho độ co ngót cao, làm hàng sẽ không đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật.

Do vậy, khi nhập khẩu nguyên liệu với giá cao, bắt buộc các nhà sản xuất sẽ phải tăng giá bán sản phẩm để cân đối kinh doanh. Như vậy sẽ bất lợi khi cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác có sẵn nguyên liệu hoặc nhập khẩu nguyên liệu gần hơn.

Nếu không mua được nguyên liệu với giá hợp lý, hoặc không tiết giảm chi phí để cân đối giá bán thì không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị chậm hợp đồng trong năm tới hoặc khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng mới trong các năm tiếp theo.

Hiện xuất khẩu gỗ của Việt Nam chủ yếu vào hai thị trường chính là Hoa Kỳ và EU, nhưng chính hai thị trường đã đặt ra những khắt khe mới.

Luật Lacey của Hoa Kỳ đã áp dụng cho hàng gỗ của Việt Nam từ 1/10/2010 và Quy chế mới của EU về tính hợp pháp của gỗ có hiệu lực vào tháng 3/2013.

Điều này gây khó với cả hai nguồn nguyên liệu. Gỗ nội địa không đủ chứng chỉ quản lý rừng của Hội đồng rừng quốc tế. Ngoài ra, gỗ nhập khẩu không dễ gì kiểm soát nguồn gốc, khi xuất khẩu sản phẩm dễ gặp phải rào cản và khó khăn trong xuất khẩu.

Việc giảm đơn đặt hàng đồ gỗ của Việt Nam từ khách hàng châu Âu trong thời gian gần đây không loại trừ nguyên nhân do việc khủng hoảng nợ công của cộng đồng này. Muốn chuyển hướng thị trường cũng không thể làm ngay.

 

xkgo02756520-1467121388726

Mặt khác, giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã có mặt bằng mới hợp sức với giá điện, xăng dầu, cước phí vận tải…đang tăng dây chuyền sẽ công kênh giá thành sản phẩm. Tính đến tháng Tư, chi phí bình quân cho một container 40 feet tăng trên 50% so với năm 2011.

Cũng theo Bộ Công Thương, lãi suất ngân hàng tại Việt Nam còn quá cao khiến cho các doanh nghiệp trong ngành khó cạnh tranh với chi phí tài chính như hiện nay. Vì nếu ngay tại “sân nhà,” nếu nhà đầu tư nước ngoài đem vốn vào Việt Nam mở nhà máy chế biến gỗ thì chúng ta cũng thua luôn về cạnh tranh giá.

Lý do là họ có cùng chi phí nhân công, nguyên vật liệu nhưng lại có chi phí tài chính khá thấp so với doanh nghiệp Việt Nam vì vốn vay ở nước ngoài hiện thấp hơn Việt Nam khá nhiều. Còn việc khó tiếp cận nguồn vốn vay cũng làm hạn chế khả năng mở rộng quy mô hoạt động, nhận làm đơn hàng lớn. Từ đó, doanh nghiệp nhỏ chỉ làm gia công lại cho các công ty lớn, giá bán sẽ không tốt, lợi nhuận sẽ rất thấp.

Đây là mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm “công nghiệp chế biến,” nhưng chủ yếu là đồ gỗ ngoại thất, chế tác đơn giản, tốn gỗ, giá lại thấp so với đồ gỗ nội thất. Tuy vậy, để chuyển sang làm đồ gỗ nội thất, doanh nghiệp phải đầu tư dây chuyền sản xuất mới, thay chủng loại gỗ, đào tạo lại tay nghề thợ, thiết kế mẫu mã khác…

Mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn dăm gỗ trong khi đó phải nhập khẩu gần 1 triệu m3 ván gỗ nhân tạo. Hàng gỗ xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ là hàng thô mộc, sau đó lại “khuân về” cũng chính những thứ đó đã được chau chuốt.

Hơn nữa, trong ngành chế biến gỗ, số kỹ sư, công nhân kỹ thuật chỉ khoảng 25-30% còn lại 75-70% là lao động giản đơn, hợp đồng thời vụ. Vì thế, việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất, đổi mới mẫu mã…đang dừng lại ở việc lực bất tòng tâm.

Để ứng biến với những khó khăn mới này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp phải tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước. Ngoài việc đầu tư trồng rừng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất ván nhân tạo và hạn chế xuất khẩu thô.

Do hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu m3 ván nhân tạo nên với tình hình tài nguyên rừng như hiện nay thì lượng gỗ trong nước đã đáp ứng được khoảng 1 triệu m3 gỗ lớn mỗi năm; tới năm 2015 có thể sẽ cung cấp được 5 triệu m3 và năm 2020 cung cấp được 12 triệu m3.

Đặc biệt, việc làm cần thiết là phải giảm mọi chi phí đầu vào như tính toán lại dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất lao động, xây dựng quá trình thao tác làm việc hiệu quả và tiết kiệm tối đa chi phí sử dụng điện. Riêng đối với những đơn hàng đã được ký từ năm trước thì cần xem xét giao dịch lại với đối tác bằng cách thương lượng và giảm 3-10% giá trị./.