Tình hình nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ châu Phi

Năm 2013, tình hình nhập khẩu gỗ của Việt Nam từ châu phi đã đạt 23 nước  (tăng 3 nước) với kim ngạch đạt 148 triệu USD tăng 32% so với năm 2012.Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực sang châu Phi, đặc biệt là các nước khu vực Trung Phi để mua gỗ. Một số công ty đã mở văn phòng đại diện tại Ca-mơ-run, Ga-bông để tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu loại nguyên liệu này.

Tiềm năng xuất khẩu gỗ của Châu Phi

Độ che phủ rừng của châu Phi ước tính chiếm 650 triệu ha bằng 17% diện tích rừng trên thế giới. Các loại rừng chính là rừng khô nhiệt đới ở Sahel (gần sa mạc Sahara), Đông và Nam Phi, các khu rừng nhiệt đới ẩm ở Tây và Trung Phi, cận nhiệt đới rừng và rừng ở Bắc Phi và rừng ngập mặn ở vùng ven biển của phía Nam.

Với nguồn gỗ phong phú, khu vực Trung và Tây Phi là một trong những trung tâm cung cấp gỗ nguyên liệu ra thị trường thế giới. Một số nước ở khu vực Trung Phi có diện tích rừng bao phủ trên 50% diện tích cả nước và là những nước xuất khẩu quan trọng mặt hàng này.

Cộng hoà dân chủ Công-gô là nước có diện tích rừng nhiệt đới lớn nhất châu Phi với diện tích lên tới 133,6 triệu ha (chiếm 59% quỹ đất của nước này). Khoảng 60% dân số tương đương với 35 triệu người dân nước này sống phụ thuộc một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhờ vào rừng. Gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của CHDC Công-gô bên cạnh dầu lửa và khoáng sản, tuy nhiên giá trị xuất khẩu mặt hàng này của CHDC Công-gô thường ít hơn 15% so với Ca-mơ-run và Ga-bông do tình hình an ninh chính trị của CHDC Công-gô bất ổn.

Tại CH Công-gô, rừng bao phủ 25 triệu ha, tương đương khoảng 70% lãnh thổ quốc gia. Đây là nước có diện tích rừng lớn thứ hai ở châu Phi sau CH Dân chủ Công-gô. Ngoài rừng tự nhiên, CH Công-gô còn trồng mới 86.000 ha chủ yếu là bạch đàn (73.000 ha), limba (7.500 ha), thông (4.500 ha), các loại cây khác (1000 ha).

Ca-mơ-run là nước có diện tích rừng lớn thứ ba châu Phi với tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 22 triệu ha (chiếm gần 45% quỹ đất) của nước này. Trong đó 17 triệu ha đất rừng cho hiệu quả khai thác cao. Gỗ xuất khẩu đạt giá trị khoảng 3 – 3,5 tỷ USD hiện chiếm 15% xuất khẩu của Ca-mơ-run và là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của nước này sau dầu lửa, tạo ra việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động. Ca-mơ-run có ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển nhất khu vực Trung Phi.

Ga-bông là quốc gia có 21 triệu ha đất rừng, bao phủ với mật độ cao nhất châu Phi (diện tích rừng chiếm 80% quỹ đất của Ga-bông). Gỗ là lĩnh vực sử dụng lao động lớn thứ hai (30 nghìn lao động trực tiếp và gián tiếp) tại Ga-bông sau khu vực công và đóng góp 12% giá trị xuất khẩu nhưng chỉ đóng góp vào 4% GDP của nước này. Hàng năm nước này xuất khẩu khoảng 1,8 triệu m3 gỗ trong đó gỗ được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và Pháp.

Tại Bờ Biển Ngà, trong nhiều năm qua, gần 70% sản lượng gỗ khai thác được dành cho xuất khẩu trong đó gỗ teck là loại gỗ nhiệt đới chiếm tỷ trọng lớn nhất. Diện tích rừng bao phủ 32% diện tích của đất nước tương đương trên 10 triệu ha rừng. Sản lượng gỗ tròn khai thác hàng năm của nước này ước tính 2 triệu m3. Trung bình mỗi năm, Bờ Biển Ngà thu được từ 500-600 triệu USD từ việc bán gỗ ra nước ngoài. Ngoài gỗ tươi, nước này đang phát triển ngành công nghiệp gỗ nhằm xuất khẩu các sản phẩm gỗ thành phẩm hoặc bán thành phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Benin có diện tích rừng bao phủ là 4 triệu ha, chiếm khoảng 40% diện tích quốc gia và là nước Tây Phi có diện tích rừng bao phủ lớn thứ 2, chỉ sau Liberia. Tiềm năng sản xuất gỗ của nước này khoảng 1-1,5 triệu m3 gỗ/năm.

Ghi-nê Bít-xao có diện tích rừng 1,5-2 triệu ha, chiếm 50% quĩ đất của nước này, trong đó rừng nguyên sinh chiếm 45,4% diện tích rừng. Các sản phẩm gỗ đóng góp vào gần 7% (tương đương 70 triệu USD) giá trị xuất khẩu của nước này. Tiềm năng về sản xuất gỗ của nước này là 550 nghìn m3 gỗ/năm.

Ngành khai thác rừng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế của các quốc gia nói trên, tuy nhiên hoạt động khai thác và xuất khẩu gỗ của các này chưa được quản lý nghiêm túc dẫn đến tình trạng khai thác bừa bãi, trái phép. Hiện nay, các nước này đang đẩy mạnh cải cách trong quản lý và điều hành nhằm hạn chế tình trạng này. Chính phủ Ga-bông đã ra quyết định cấm xuất khẩu gỗ tươi từ năm 2010 để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ trong nước, góp phần tạo việc làm cho người lao động và nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng bằng xuất khẩu gỗ thành phẩm hoặc bán thành phẩm. Các sản phẩm gỗ muốn được đưa ra khỏi các cảng phải có giấy chứng nhận là gỗ được phép khai thác và đã qua sơ chế. Các nước khác thì cũng đã có những chính sách hạn chế việc xuất khẩu gỗ tươi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *